7 'tội lỗi' của Ed Woodward với Man United

Vào ngày 1/2 tới, ông Ed Woodward sẽ chính thức rời khỏi vị trí phó chủ tịch của Man United, khép lại nhiệm kỳ 9 năm đầy giông bão.

Không ai phủ nhận những đóng góp của Ed Woodward, nhất là về mặt tài chính. Nhưng rất nhiều người tin rằng chính Ed Woodward là người đã đẩy Man United vào tình trạng rối bời hiện tại. Và dưới đây là 7 “tội lỗi” mà họ tin rằng ông ta đã phạm phải.

#1
Dự án Super League

Cho tới bây giờ, người ta vẫn chưa biết là Ed Woodward là người ủng hộ hay phản đối dự án European Super League. Bản thân Ed Woodward được biết đến là người không ủng hộ dự án này. Lý do hàng đầu là ông ta không tin vào khả năng thành công của một giải đấu “kiểu Mỹ”, nơi không có đội lên hay xuống hạng. Chính Ed Woodward cũng đã nói rõ quan điểm này với Aleksander Ceferin, chủ tịch UEFA, và bày tỏ sự ủng hộ với kế hoạch cải tổ Champions League.

Nhưng vì nhiều lý do, cuối cùng Ed Woodward lại bị mang tiếng là người ủng hộ Super League. Chính ông Ceferin sau đó cũng tỏ ra phẫn nộ và gọi Ed Woodward là “một con rắn”. Vấn đề là, trong cuộc họp mà trong đó ban lãnh đạo Man United đi tới quyết định ủng hộ ESL, Ed Woodward lại không có mặt, nhưng ông lại được yêu cầu phải viết báo cáo giải thích lý do dẫn tới lựa chọn của Man United. Quá mệt mỏi, Ed Woodward đã quyết định từ chức. Một quyết định mà nhiều người cho là quá vội vàng.

#2
Sai lầm với Moyes

Hè 2013, Ed Woodward nhận lời tiếp quản lại Man United từ David Gill. Vấn đề là, cũng trong mùa Hè này, Man United đã chính thức bước vào một kỷ nguyên mới. Sir Alex Ferguson quyết định chia tay đội bóng sau gần ba thập kỷ gắn bó. Man United vừa vô địch Premier League, nhưng đấy là chức vô địch giành được dựa trên tài năng và ảnh hưởng của Sir Alex nhiều hơn là chất lượng đội hình.

Hè 2013, bởi thế, trở thành một mùa hè khổ ải với cả Ed Woodward lẫn HLV mới, David Moyes. Cả hai đều bị đẩy vào một thế giới hoàn toàn xa lạ so với những gì họ đã biết. Ed Woodward thậm chí còn bị sốc vì sân tập ở Carrington thiếu cả hệ thống sưởi lẫn đèn cao áp đủ tiêu chuẩn. Với quan hệ hạn chế, Ed Woodward cũng không biết phải làm gì trên thị trường chuyển nhượng. Man United được liên hệ với Gareth Bale, Ronaldo, Cesc Fabregas, Toni Kroos…, nhưng rốt cuộc chỉ có được Marouane Fellaini.

#3
Thảm họa chuyển nhượng

Sau khi sa thải David Moyes, Ed Woodward đặt rất nhiều kỳ vọng vào vụ chiêu mộ Louis van Gaal. Là một người ngoại đạo, Ed Woodward ngây thơ tin rằng vị HLV gạo cội người Hà Lan sẽ biết phải làm gì để ổn định đội bóng và tìm ra hướng phát triển mới. Cũng vì lý do đó, Ed Woodward chấp nhận gần như một cách vô điều kiện những yêu cầu chuyển nhượng của Van Gaal.

Rốt cuộc, trong mùa Hè đầu tiên của Van Gaal, Man United đã đưa về Radamel Falcao, Daley Blind, Marcos Rojo, Angel Di Maria và Memphis Depay, tất cả đều có giá cao, nhưng hầu như không có đóng góp gì về chuyên môn. Mùa Hè tiếp theo cũng không có gì khác. Nhưng Schweisteinger, Schneiderlin, Darmian… cũng chỉ có đóng góp rất hạn chế. Người còn “tồn tại” cho tới giờ là Anthony Martial…

Man United đã phải trả cái giá quá đắt khi Ed Woodward kéo Mourinho về sân Old Trafford

#4
Trò hề “Disneyland”

Năm 2014, trong nỗ lực tìm người thay David Moyes, Ed Woodward đã nhắm tới Juergen Klopp, lúc đó còn là HLV của Dortmund. Đây là động thái cho thấy Ed Woodward không hoàn toàn “không hiểu gì về bóng đá” như người ta nói. Vấn đề là, không hiểu ông đã nói với với Klopp mà vị HLV người Đức sau đó nói rằng ông từ chối United bởi cảm thấy đội bóng này “giống như một phiên bản người lớn của Disneyland”.

Rốt cuộc, Klopp đã chọn Liverpool và từng bước xây dựng nên một trong những đội bóng mạnh nhất châu Âu. Trong khi Man United tới giờ vẫn loay hoay tìm kiếm một “kiến trúc sư” có khả năng đưa đội bóng trở lại những ngày vinh quang.

#5
Hỗn loạn dưới thời Mourinho

Trước khi quyết định chiêu mộ Jose Mourinho, Ed Woodward đã nghiên cứu rất kỹ. Ông không chỉ tìm hiểu về Mourinho thông qua các mối quan hệ, mà còn đọc tới… 8 cuốn sách về vị HLV người Bồ Đào Nha. Với Mourinho, Ed Woodward biết rằng Man United có thể sẽ không đảm bảo được hai trong ba yêu cầu mà ông cho là mang tính “rường cột”, gồm “chơi bóng đá tấn công” và “sử dụng cầu thủ học viên”. Nhưng Ed Woodward vẫn chấp nhận vì tin Mourinho có thể đáp ứng yêu cầu còn lại, là “giành các danh hiệu”.

Đúng là Mourinho đã giúp Man United giành được các danh hiêu. Nhưng cái giá phải trả là quá đắt. Đáng kể nhất là bầu không khí độc hại trong phòng thay đồ. Những ngày cuối nhiệm kỳ, Mourinho và Pogba không còn nhìn mặt nhau.

#6
Quá nhiều thời gian cho Solskjaer

Thời điểm bổ nhiệm Solskjaer vào cương vị HLV tạm quyền, Ed Woodward không hề nghĩ rằng vị HLV người Na Uy có thể trở thành HLV chính thức của đội. Nhưng một vài kết quả tốt ban đầu, đáng kể là việc Man United loại PSG ở vòng 1/8 Champions League, cùng với ấn tượng về sự trở lại của bóng đá tấn công, đã khiến ông mờ mắt và thay đổi kế hoạch. Không chỉ giữ lại Solskjaer, Ed Woodward còn ký hợp đồng dài hạn.

Khi những vui vẻ ban đầu qua đi, Quỷ đỏ trở lại với hình ảnh khổ sở trước đó. Nhưng dù đã có cơ hội ký hợp đồng với Thomas Tuchel rồi Antonio Conte, Ed Woodward đều bỏ qua. Cho tới khi quá muộn.

#7
Đi vào lối mòn?

Từ góc độ tài chính, Ed Woodward đã làm không tệ, thậm chí là rất tốt công việc của mình. Bất chấp Covid-19, bất chấp không giành được những thành công trên sân cỏ, Man United vẫn rất thành công trên thương trường. Dưới thời của Ed Woodward, doanh thu của đội bóng đã tăng gấp đôi, và dù dịch bệnh, họ vẫn đủ tiền để đưa về những tân binh đắt giá như Sancho, Varane hay Ronaldo.

Tuy nhiên, ngày Ed Woodward ra đi, M.U vẫn là một đống hổ lốn. HLV mới Ralf Rangnick dường như không giúp giải quyết những vấn đề tồn đọng. Ngược lại, ông ta còn gây ra những vấn đề mới, thể hiện qua việc hơn một tá cầu thủ đội một đang đòi ra đi

    Bình Luận